Đọc đoạn trích sau:
BUỔI SỚM - Thạch Lam
(Lược một đoạn: Bính vốn là một cậu ấm sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Từ khi thầy Bính mất, Bính đâm ra ăn chơi, trụy lạc. Mặc kệ sự níu giữ, khuyên răn, đau buồn của mẹ, Bính chìm trong sự sa đọa không tìm thấy lối ra. Những tưởng cuộc sống của Bính sẽ mãi trượt dài như vậy, thế nhưng lại có một sự việc khiến mọi chuyện thay đổi. Một tối nọ, anh cứ nằm mà trằn trọc mãi chẳng thể nào ngủ được. Xoay phải, xoay trái cũng chỉ càng làm cho bản thân thêm phần khó chịu nên anh quyết định sẽ thức dậy. Chính nhờ quyết định này mà cuộc sống của anh như được mở ra lần thứ hai, như được bước tiếp sang một trang mới)
[...]
Nhưng hôm nay, cái mát của buổi ban mai làm tươi lại những cảm giác trong sạch, thanh cao ngày nhỏ. Tiếng gù gù của chim bồ câu hàng xóm không còn nữa, nhưng tiếng cười nói của những người đi chợ sớm vẫn vang lên bên giậu thưa. Nước mưa trong bể vẫn mát như ngày còn trẻ; trên cao, trời xanh thẫm không một gợn mây, lát nữa sẽ rực rỡ những ánh hồng của nắng.
Bính đứng dậy bước đến bên bụi hồng nhung bên cạnh bể. Chàng cúi xuống ngắt một bông hoa. Như ngày xưa, chàng ngắt để trên đĩa sứ sớm mai; bông hoa vừa hé nở, cánh nhỏ còn khép giữ một giọt sương long lanh trong như ngọc. Tự đóa hoa bốc lên một mùi hương quen mến, mùi hương mộc mạc và đầm ấm của hồng nhà; Bính tưởng mùi hương dịu dàng và cao quý như tình yêu của mẹ chàng đối với chàng.
Lòng thương mẹ rung động khẽ trong tâm Bính. Chàng muốn sớm nay, khi trở dậy, bà mẹ già đã nhiều lần khóc vì con lại thấy trên đĩa sứ mấy bông hoa hái trong sương sớm như ngày xưa. Đây là thức dâng của buổi sớm mai, của cái mát thanh cao giữ trong khe lá và trên mặt nước mưa. Bính thấy tâm hồn trở nên mát rượi và yên tĩnh. Chàng thấy mình, lại như ngày trẻ, đang cúi người nhìn sương đọng trên chùm lá tươi non. Và tiếng buổi sớm, tiếng gù của đôi chim bồ câu đôi bên hàng xóm từ những ngày đã qua trong thời niên thiếu, lại hình như vang vang đâu đây.
Chàng đứng dậy; gió mát từ ngoài đồng ruộng quanh nhà nhẹ nhàng đưa lại mùi cỏ ướt. Trời đã đổi màu xanh ra màu hồng phơi phới, trên cao. Bình minh của ngày rực rỡ bắt đầu tươi sáng ở phía xa.
Trong nhà, bà mẹ đã trở dậy, vén màn, ngồi lần tràng hạt, cụ niệm trăm câu kinh phật. Tiếng mẹ chàng còn trong và nhẹ như xưa.
Bính rón rén đi vào; không dám động mạnh. Chàng đến bên bàn thờ đặt hoa trên đĩa, thay nước mưa trong chiếc bát cổ. Và khi đặt tràng hạt xuống, mẹ chàng hỏi như ngày xưa, dịu dàng và âu yếm, như khi chàng còn nhỏ:
- Sao dậy sớm thế, con?...
(Thạch Lam, trích Buổi sớm - Thạch Lam tuyển tập, NXB Văn học 2016, trang 331-332)
Chú thích:
1. Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân). Là một người đôn hậu và rất đỗi tinh tế. Ông có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Ông thường viết những truyện không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Giọng văn điềm đạm, chứa đựng biết bao tình cảm chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người.
2. "Buổi sớm" là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, một câu chuyện nhân văn, nhẹ nhàng mà đầy ý nghĩa.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5
Câu 1. Xác định ngôi kể trong văn bản trên.
Câu 2. Liệt kê những hình ảnh quen thuộc của buổi ban mai mà nhân vật Bính đã nhìn thấy trong đoạn văn thứ nhất (Nhưng hôm nay....ánh hồng của nắng).
Câu 3. Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu: Trong nhà, bà mẹ đã trở dậy, vén màn, ngồi lần tràng hạt, cụ niệm trăm câu kinh phật. Tiếng mẹ chàng còn trong và nhẹ như xưa.
Câu 4. Phân tích ý nghĩa của hình ảnh "bông hoa hồng nhung" xuất hiện trong văn bản.
Câu 5. Qua văn bản, hãy rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất đối với anh/chị và giải thích lí do
GỢI Ý:
Câu 1: Xác định ngôi kể: Ngôi thứ ba
Câu 2: Những hình ảnh quen thuộc của buổi ban mai mà nhân vật Bính đã nhìn thấy trong đoạn văn thứ nhất: Tiếng cười nói của những người đi chợ sớm; nước mưa trong bể vẫn mát như ngày còn trẻ; trời xanh thẫm không một gợn mây.
Câu 3:
Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu: Trong nhà, bà mẹ đã trở dậy, vén màn, ngồi lần tràng hạt, cụ niệm trăm câu kinh phật. Tiếng mẹ chàng còn trong và nhẹ như xưa.
+ Nêu ra hàng loạt những việc làm quen thuộc của mẹ vào buổi sớm mai, gợi ra hình ảnh người mẹ nhân hậu, ấm áp.
+ Tạo nhịp điệu cho câu văn...
Câu 4: Hình ảnh hoa hồng nhung xuất hiện trong đoạn trích mang ý nghĩa của sự tươi mới, hi vọng; nó thể hiện lòng biết ơn đối với mẹ và sự thay đổi tích cực trong tâm hồn của nhân vật Bính.
Câu 5: - Rút ra một thông điệp có ý nghĩa: Tác phẩm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của gia đình, truyền thống và hy vọng trong việc vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; hoặc hãy biết ơn và thương mẹ nhiều hơn; sống có bản lĩnh...
Xem thêm tại: https://hocvancungricky.com