Banner cho bài viết:ĐỌC HIỂU THẦN THOẠI NỮ OA VÁ TRỜI (Đề 05)
ĐỀ THI NGỮ VĂN 10

ĐỌC HIỂU THẦN THOẠI NỮ OA VÁ TRỜI (Đề 05)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

NỮ OA VÁ TRỜI

         Người Trung Hoa kể rằng Nữ Oa là vị thần sinh ra loài người. Con cháu bà sống trong cõi thế gian bình yên vô sự thì bỗng một hôm Thủy Thần [1], Cung Công và Hỏa Thần [2], Chúc Dung gây sự đánh nhau rất dữ dội. Cung Công thua to, tự nghĩ chẳng còn mặt mũi nào sống trong trời đất nữa bèn đập đầu vào núi Bất Chu, vốn là cây cột chống trời ở phía Tây Bắc, để tự tử. Vì sức đập không đủ mạnh nên Cung Công không chết, chỉ có cây cột chống Trời là gẫy gập xuống, một góc trời bị sụt lở gây ra tai họa khủng khiếp cho loài người.

       Vòm trời rách toang, đất đai ầm ầm rung chuyển, núi rừng bốc cháy, nước ngập mênh mông, loài người hốt hoảng kéo nhau chạy trốn. Nhưng trời sập còn biết trốn vào đâu!

        Bà Nữ Oa đau lòng thấy con cháu ngoi ngóp trong cảnh đất trời nghiêng ngửa tối tăm. Bà nghĩ chỉ còn một cách vá lại vòm trời cho nguyên lành như cũ mới mong cứu được loài người. Nhưng công việc vá trời đâu phải chuyện dễ, xưa nay đã có ai nghĩ đến, đừng nói dám làm! Chỉ vì thương con mà ngày đêm bà không quản khó khăn, vất vả, một mình hì hục khuôn đất, đội đá ở khắp nơi về để vá trời cho bằng được, kịp cứu đàn con.

        Bà chọn đá ngũ sắc, chất lên thành núi, đốt lửa luyện đá thành keo rồi lần lượt vá hết các vết thủng trên vòm trời. Bà lấy bốn chân lực lưỡng [3] của con rùa khổng lồ đem dựng ở bốn phương trái đất làm cột chống trời hết sức vững chãi. Vòm trời được nâng cao, ánh sáng trở lại chan hòa.

        Bà còn lấy lau lách [4] ở các bờ sông đốt thành tro, chất đống lại để ngăn dòng nước lũ lan tràn trừ được tai họa do Thủy Thần gây ra. Bà giết con rồng đen hung dữ, xua đổi các loài ác thú vẫn thường quấy phá khắp nơi. Bà lấy ống sậy [5] ghép lại với nhau thành một loại nhạc cụ hình giống đuôi con chim phượng rồi giao cho con cháu thổi lên nghe réo rắt vui tai.

        Từ đấy, cảnh tượng bình yên đã trở về trên mặt đất. Con người sống dưới vòm trời trong xanh, điểm mây ngũ sắc, không còn lo trời sập, không sợ nước lũ và các loài ác thú, chăm lo làm ăn, bốn mùa no đủ, vui tươi. Họ tưởng nhớ công ơn bà Nữ Oa luyện đá vá trời cho đàn con được hưởng yên vui, no ấm, nên lập miếu để thờ bà.

Nữ Oa vá trời – Truyện thần thoại Trung Quốc

Soạn lại theo bản dịch của Thái Hoàng và Bùi Văn Nguyên

Chú giải:

[1] Thủy Thần: Thần nước

[2] Hỏa Thần: Thần lửa

[3] Lực lưỡng: to lớn, khỏe mạnh.

[4] Lau lách: loài cỏ cao, lá như lá mía, có bông trắng.

[5] Sậy: loài cây dại thuộc họ lúa, cao độ hai, ba mét, thân cứng và thẳng như cái ống.

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính và ngôi kể của văn bản trên.

Câu 2. Những dấu hiệu nào giúp anh/chị nhận biết văn bản Nữ Oa vá trời là một truyện thần thoại?

Câu 3. Đọc truyện Nữ Oa vá trời giúp anh/chị nhớ đến truyện thần thoại nào đã học? So sánh điểm giống và khác giữa hai truyện thần thoại trên.

Câu 4: “Niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn” là một trong những vẻ đẹp của thần thoại. Theo anh/chị, niềm tin ấy còn có sức hấp dẫn với con người hiện đại không? Vì sao?

Câu 5. Theo anh/chị, thông điệp mà người xưa muốn gửi gắm qua văn bản là gì?

GỢI Ý ĐÁP ÁN:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính và ngôi kể của văn bản trên.

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

- Ngôi kể: Ngôi thứ ba

Câu 2. Những dấu hiệu nào giúp anh/chị nhận biết văn bản Nữ Oa vá trời là một truyện thần thoại?

+ Nhân vật chính: Nữ Oa (sinh ra loài người, vá trời): là một vị thần, có sức mạnh phi thường, có nhiệm vụ tạo lập thế giới.

+ Không gian: Vòm trời rách toang, đất đai ầm ầm rung chuyển, núi rừng bốc cháy, nước ngập mênh mông, cây cột chống Trời là gẫy gập xuống => Không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể.

+ Thời gian: “Bỗng một hôm” => Thời gian cổ sơ, không xác định và mang tính vĩnh hằng.

+ Cốt truyện: Đơn giản, chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình vá lại bầu trời của thần Nữ Oa.

Câu 3. Đọc truyện Nữ Oa vá trời giúp anh/chị nhớ đến truyện thần thoại nào đã học? So sánh điểm giống và khác giữa hai truyện thần thoại trên.

- Nhớ đến Thần Trụ Trời

Giống:

+ Đều là thần thoại

+ Không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể

+ Thời gian cổ sơ, không xác định

+ Cốt truyện: Chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình tạo lập nên thế giới.

+ Nhân vật: Vị thần có sức mạnh phi thường, có nhiệm vụ tạo lập thế giới

+ Đều dựa trên trí tưởng tượng của con người

+ Thể hiện nhận thức của người xưa về cách thế giới được hình thành.

Nữ Oa vá trời 

Thần Trụ Trời

+ Thần thoại Trung Quốc

+ Nhân vật Nữ Oa

+ Xoay quanh quá trình vá lại bầu trời của Nữ Oa

+  Có sự xuất hiện của con người

+ Thần thoại Việt Nam

+ Nhân vật Thần Trụ Trời

+ Xoay quanh quá trình tạo nên trời và đất của Thần Trụ Trời

+ Chưa có sự xuất hiện của con người

 

 

Câu 4: “Niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn” là một trong những vẻ đẹp của thần thoại. Theo anh/chị, niềm tin ấy còn có sức hấp dẫn với con người hiện đại không? Vì sao?

+ Có, niềm tin ấy vẫn còn sức hấp dẫn với con người người hiện đại. Vì, dù không dựa những kiến thức khoa học, không có căn cứ nhưng nó vẫn mang lại những giá trị tinh thần to lớn. Nó giúp con người hiện đại hiểu được những suy nghĩ của người xưa, biết sống hướng thiện.

Câu 5. Theo anh/chị, thông điệp mà người xưa muốn gửi gắm qua văn bản là gì?

+ Văn bản lí giải cái nhìn của người xưa về hiện tượng thế giới được hình thành.

+ Thể hiện sự tôn kính của con người đối với văn hóa tâm linh, niềm tin vào tín ngưỡng.