BÁO HIẾU: TRẢ NGHĨA CHA
Mưa phùn. Gió bấc. Rét buốt đến tận xương.
Nhưng mưa, gió, rét, có hề chi đến bữa tiệc giỗ ông cụ đẻ ra ông chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ôtô “con cọp”? Bởi vì trong buồng khách, cửa đóng kín mít, hơi lửa lò sưởi xông lên nóng rực. Mà khách đến chơi, ông nào cũng gói mình vào đến trăm thứ áo, lại xù xù ở cổ một chiếc chăn con! Khách đến dự tiệc toàn là hạng ông nọ ông kia, danh giá, mà ông chủ nói là chỗ thân. Cho nên cố mời cho kỳ được. Vì chính ông cũng là hạng tai mắt trong phố phường. Ông là nhà tư bản vậy! Vả lại, không nhân ngày giỗ bố, mà làm bữa tiệc cho thực linh đình, mời mọc cho thực đông khách, để tỏ rằng mình tuy nhờ trời làm ăn đã được khá, nhưng chẳng phải hạng uống nước quên nguồn – bởi đạo làm con là phải báo hiếu cho cha mẹ, để khỏi phụ công sinh thành dưỡng dục – thì thế gian họ cũng cười cho. Nghề thế, phú quý sinh lễ nghĩa. Mà phú quý sinh lễ nghĩa thực. Chẳng tin cứ nhìn cách cử chỉ của hai ông bà chủ nhà ra đón tiếp khách thì đủ rõ. Hai ông bà cùng béo tốt, đẹp đẽ. Nhất là ông, cái bụng phưỡn ra, nấp trong bộ quần áo xếp nếp cứng thẳng như cái hộp. Tóc bóng mượt, nhẵn như cái gáo lĩnh úp trên đầu, không chịu kém vẻ đẹp với bộ ria sửa khéo như vẽ. Miệng lúc nào cũng chực toé ra một chuỗi cười. Vì ngày hôm nay, bổn phận ông là phải hay cười. Mà đã cười thì cười cực to, ôm bụng mà cười, cười cả từ câu nói buồn cười đến câu nói không buồn cười. Nghĩa là ông hết sức khoe cái cười lấy lòng, cái cười thiệp đời của nhà tư bản. Phải, người ta đã chẳng quản mưa, gió, rét mướt, mà quá bộ đến nhà để chiếu cố thì mình phải lấy làm hân hạnh, vui vẻ mới được. Cho nên ai đến, ông cũng chắp tay vái chào cung kính, rồi mời mọc ân cần, quý quý, hóa hóa, ăn nói rõ ra một nhà nền nếp, gia giáo. Trong buồng ăn, tiệc đã dọn trên bàn, cái bàn chữ nhật, giải trên một tấm khăn trắng nuột. Cốc to, cốc nhỏ, chai lớn, chai con, bát sứ, đĩa tây, bày la liệt, nhưng có thứ tự, lóng lánh dưới ngọn đèn trăm nến. Chuông sáu giờ vừa dứt. Khách đến đã đủ. Một tiếng ông chủ mời, thì một trăm bốn tư chiếc chân, vừa chân người vừa chân ghế, lê sền sệt trên nền gạch tây bóng lộn. Hai mươi bốn chiếc cốc đầy rượu đụng nhau, chủ khách bắt đầu cầm đũa.
– Xin ngài cho phép chúng tôi vào vô phép bà chủ.
Câu nói vừa dứt, thì đã thấy bà chủ ở trong buồng đi ra, chắp tay, tươi như cái hoa:
– Các quan đã có lòng yêu chúng tôi, mà đến chiếu cố bữa cơm thường nhà chúng tôi, chúng tôi xin đa tạ. Xin rước các quan xơi rượu.
– Chúng tôi chẳng dám tin là bữa cơm thường! Kỵ cụ cố ông mà ông bà làm to thế này, thì chúng tôi tự xét mình lấy làm xấu hổ vì bất hiếu. Thôi nhờ bà nói giúp cho chúng tôi xin vô phép cụ cố bà.
– Thưa các quan, cảm ơn các quan, cụ bà chúng tôi ở trong nhà quê ạ. Nhiều lần chúng tôi mời ra ở đây, nhưng không chịu đi. Cho nên chúng tôi vẫn lấy làm ân hận lắm.
Cái lễ phép tắc trách đã làm xong, chủ khách ăn uống rất êm đềm vui vẻ. Êm đềm vui vẻ thực! Sung sướng thay! Củi lò sưởi nổ đôm đốp, át cả tiếng giọt mưa phùn. Chuyện nói to làm lấp các tiếng gió bấc thổi. Hơi rượu nồng nàn, ai nghĩ đến rét buốt thấu tận xương. [...]
Ông chủ đứng trước mặt bà lão, nét mặt hầm hầm, trợn mắt, khoanh tay vào ngực mà gắt:
– Một suýt nữa thì làm tôi ê cả mặt! Ai bảo bà ra làm gì?
Bà lão chưa kịp trả lời cái câu hỏi không ngờ, thì đã bị mắng luôn mấy câu nữa:
– Tôi đã cấm bà không được ra đến đây kia mà. Đã một lần trước rồi, mà không chừa! Bà không biết để sĩ diện cho tôi! Đây này, bà cầm lấy! Bà về đi! Mặc kệ bà! Bà phải về ngay bây giờ! Mới có hơn bảy giờ, còn sớm!
Nói xong, ông ấn vào tay bà lão một cái tròn tròn, rồi quay gót trở lên, và gọi rầm rĩ:
– Thằng bếp đâu rồi! Mày đưa bà ấy ra! Mà mày phải bảo chúng nó rằng tao cấm, không đứa nào được kéo bà ấy cả! Cho mà đi bộ để bận sau mà chừa.
Bà ấy là ai? Bà ấy là một người đàn bà góa. Đã ngoại ba mươi năm nay, có một đêm, bà ấy trót dại chiều chồng, mà tình cờ đẻ ra được một đứa con trai. Sinh được ít lâu, trời bắt tội bà ấy goá bụa. Nhà nghèo, làm ăn vất vả, kiếm chẳng ăn đủ, nhưng bà ấy chẳng nhẫn tâm bỏ đứa bé thơ ngây trả nhà chồng để bước đi bước nữa mà vui thú với cái tuổi xuân đương hơ hớ. Qua mấy năm khó nhọc, khi sài, khi đẹn, suýt chết mấy lần, thì đứa bé đến tuổi đi học. Rồi vì nghèo khổ quá, nó phải ra tỉnh kiếm ăn theo anh em. Nhờ được cái nó nhanh nhẩu, láu lỉnh, liều lĩnh, mà chẳng biết nó làm ăn ra sao, nó có được ít vốn, rồi lấy được ở đâu một con vợ giầu. Từ đó, thằng ấy một ngày một khá, buôn bán phát tài. Nay giàu đến hàng mươi vạn. Thằng con ấy tức là ông chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ô tô “con cọp” vậy.
Bà lão lẩy bẩy, theo người bếp lôi ra cửa ban nãy. Đến đường, còn đương ngơ ngơ ngác ngác, chưa rõ nên đi lối nào, thì không biết tâm trí để đâu, bà ta lập cập, vấp một cái, ngã xoài ngay ra rãnh cống. Quần áo mặt mũi lấm bê bết. Cái tròn tròn vẫn nắm trong tay bắn quăng đi. Bà lão cố sờ soạng. Khi tìm thấy, bèn gí vào mắt để xem, thì cái tròn tròn ấy là đồng hào ván…
Mưa để khóc, gió để rên. Rét để cắt đứt ruột mẹ người con mà họ đương khen là hiếu tử.
( Báo hiếu: Trả nghĩa cha – Nguyễn Công Hoan)
Câu 1: Xác định ngôi kể, điểm nhìn và chỉ ra tác dụng của cách sử dụng ngôi kể, điểm nhìn đó trong văn bản.
Câu 2: Xác định chủ đề của văn bản và nhận xét cách đặt nhan đề của văn bản
Câu 3: Liệt kê các chi tiết khắc họa phản ứng của nhân vật ông chủ khi gặp các vị quan khách và người mẹ của mình? Từ đó em có suy nghĩ gì về nhân vật người con.
Câu 4: Trình bày suy nghĩ của em về câu văn ở cuối truyện: “Mưa để khóc, gió để rên. Rét để cắt đứt ruột mẹ người con mà họ đương khen là hiếu tử.”
Câu 5: Theo em, truyện ngắn Báo hiếu: Trả nghĩa cha được viết theo phong cách lãng mạn hay phong cách hiện thực? Căn cứ vào đâu để em khẳng định như vậy?
Nguồn: https://hocvancungricky.com